Tiểu sử sơ lược Lưu Kỳ Linh

Lưu Kỳ Linh, sinh tại Cao Lao hạ, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Trước ông học trường Đồng Hới, sau học trường Quốc Học Huế (đến năm thứ 3).

Cha ông là Lưu Trọng Kiến, hiệu Lưu Kỳ Sơn, thi đỗ Cử nhân, làm quan đến chức Tri huyện. Rồi nhân có tang mẹ, ông xin về ở ẩn luôn. Tác phẩm của ông có Kỳ Sơn thi tập.

Lưu Kỳ Linh là anh ruột nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Ông là một thi sĩ thuộc thế hệ Thơ mới những năm 30 của thế kỷ 20, đã đăng thơ trên Hà Nội báo, Tao Đàn, Tiểu thuyết thứ bảy...

Theo thông tin trong cuốn Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển hạ), thì từ năm 1927 đến năm 1944, Lưu Kỳ Linh sống ở làng quê (sách không ghi tên làng xã), gần gũi với nông dân, với ruộng vườn; cho nên thơ ông từ này về sau thường giản phác, tự nhiên, có cái nhạc điệu của ca dao và cái phong vị của Đường thi. Ở đó, ông tự học, tự tu, không thầy, không bạn.Từ năm 1944 cho đến nay (1968, là năm tác giả viết bài này), ông về ở Sài Gòn (trừ ba bốn năm ở Nha Trang), làm nghề dạy học và tiếp tục sống an bần lạc đạo…[1]

Lưu Kỳ Linh mất năm 1974, thọ 67 tuổi.

Con trai ông là Trung tá Lưu Trọng Lân, từng là bộ đội pháo cao xạ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và là tác giả xuất bản cuốn sách Ký Ức Đường Trường Sơn (2004), Điện Biên Phủ Trên Không (2002).